Bệnh loãng xương là tình trạng xương giảm mật độ canxi dẫn đến việc xương bạn trở nên giòn, dễ gãy mặc dù không bị chấn thương, biểu hiện có thể quan sát được là chiều cao bạn giảm dần và bị đau lưng
Theo cơ chế sinh học tự nhiên, có 2 quá trình song song cùng xảy ra, tác động trực tiếp trên xương đó là quá trình tạo xương và hủy xương. Khi còn trẻ, khả năng tạo xương chiếm ưu thế, nhờ đó xương phát triển, cơ thể dần trở nên cao lớn. Đến tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh, nội tiết tố suy giảm, quá trình tạo xương không được mạnh mẽ như lúc trước, mặt khác quá trình hủy xương tăng lên, làm cho xương bị mất đi, trở nên giòn và xốp.
Nguyên nhân gây nên bệnh loãng xương
- Chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu canxi, ít đạm và ít hoạt động thể lực ngoài trời, nghiện rượu bia, chất kích thích
- Thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm Corticosteroid trong thời gian hơn 3 tháng
- Có thời gian dài nằm bất động
- Mắc các bệnh lý về khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp
- Bị các bệnh mạn tính dẫn tới việc cơ thể tăng đào thải canxi, giảm hấp thu canxi và vitamin D
- Người bị còi xương suy dinh dưỡng khi còn nhỏ.
Nhận biết các loại loãng xương
Loãng xương ở người già xảy ra khi đồng thời vừa có tình trạng tăng hủy xương và khả năng hấp thu canxi của đường tiêu hóa giảm do quá trình lão hóa. Bệnh thường diễn biến chậm nhưng có những biến chứng nặng nề như gãy xương chậm lành hay lún xẹp cột sống
Bệnh loãng xương sau thời kỳ mãn kinh xảy ra ở phụ nữ do tăng hủy xương, khả năng tạo xương bị suy giảm do sự suy giảm nội tiết tố. Loại loãng xương này chiếm phần lớn.
Loãng xương thứ phát là kết quả của một số bệnh lý như viêm khớp, bệnh tuyến cận giáp hay do nằm quá lâu, thường xuyên sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
Loãng xương được xem như sát thủ thầm lặng. Khi có dấu hiệu lâm sàng thường là lúc cơ thể đã mất đi 30% khối lượng xương. Ở giai đoạn bệnh tiến triển có thể xuất hiện cảm giác đau dai dẳng trong xương. Đây là một triệu chứng mơ hồ nên thường bị coi nhẹ.
Dấu hiệu nhận cảnh báo bệnh loãng xương
Dấu hiệu đầu tiên và khá rõ ràng của loãng xương bạn có thể quan sát được là chiều cao bị giảm dần kèm theo cảm giác đau ở vùng lưng và thắt lưng. Khi bệnh nặng hơn sẽ bị gù và dáng đi lom khom.
Gãy xương là biểu hiện rõ nhất và cũng là biến chứng nguy hiểm nhất của loãng xương. Gãy xương do loãng xương là trường hợp gãy xương không có tác động vật lý hay sau một tác động rất nhẹ. Phần xương bị gãy thường xảy ra ở đốt sống, cổ xương đùi và cổ tay.
Chủ đề liên quan:
Hướng dẫn Bổ sung canxi cho người loãng xương đúng cách
Đừng coi thường – bệnh loãng xương nguy hiểm hơn bạn nghĩ