Từ khi bước vào tuổi trung niên, mật độ canxi trong xương giảm xuống dẫn đến xương trở nên mỏng manh, giòn và xốp, rất dễ gãy. Nếu tình trạng thiếu canxi trong xương kéo dài sẽ dẫn đến mắc bệnh loãng xương. Vậy loãng xương là gì và có nguy hiểm không? Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi trong bài viết dưới đây
Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương là tình trạng gia tăng độ xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, trọng lượng giảm trên một đơn vị thể tích, nguyên nhân từ việc suy giảm các khung protein và số lượng canxi gắn với các khung này.
Có thể nói loãng xương xảy ra khi xương mất dần canxi, khiến xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan cho đến khi cảm nhận được cơn đau nhức thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Nhiều người chỉ phát hiện khi có dấu hiệu gãy xương. Đến lúc này, khả năng phục hồi hoàn toàn gần như không có vì hệ xương đã bị hao mòn quá nhiều. Tình trạng này sẽ càng trở nên nghiêm trọng với người cao tuổi do ở độ tuổi này khả năng hấp thu canxi của hệ tiêu hóa suy giảm, đồng thời quá trình hủy xương tăng cao.
Nguyên nhân của bệnh loãng xương
Trong suốt cuộc đời, xương trong trạng thái liên tục được thay mới, trong đó xương cũ sẽ bị phá hủy và xương mới sẽ được tạo ra thay thế. Ở người trẻ, quá trình tạo xương diễn biến mạnh mẽ hơn, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi trung niên, khối lượng xương mới được tạo ra giảm đi và lượng xương bị phá hủy nhanh hơn. Đó là nguyên nhân gây nên bệnh loãng xương.
Ngoài ra, nếu chế độ dinh dưỡng không khoa học, cơ thể không được bổ sung canxi đủ nhu cầu thì việc hình thành các mô xương có thể bị ảnh hưởng.
Một số nguyên nhân gây nên bệnh loãng xương có thể kể đến:
- Tuổi già: Người già ít vận động, thiếu ánh nắng dẫn đến cơ thể thiếu vitamin D khiến xương khớp bị thoái hóa.
- Hormon sinh dục nữ suy giảm: Phụ nữ sau mãn kinh, lượng hormon sinh dục giảm dẫn đến gia tăng tốc độ chuyển hóa canxi từ xương vào máu. Gây nên tình trạng thiếu hụt canxi trong xương
- Hormon cận giáp: Do không được bổ sung đủ canxi nên cơ thể không thể duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu. Khi đó, Hormon cận giáp được tiết ra để rút canxi trong xương vào màu. Quá trình này diễn ra lâu dần làm cho cấu trúc xương trở nên kém vững chắc.
- Thiếu dinh dưỡng: Không bổ sung đủ canxi, photpho và magie, nguyên tố vi lượng cũng là nguyên nhân gây loãng xương
- Suy giảm miễn dịch: Suy giảm miễn dịch cũng góp phần gây nên loãng xương
Triệu chứng của bệnh loãng xương
- Loãng xương được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” vì hầu như không có triệu chứng nào rõ rệt, người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi trở nặng. Một số biểu hiện của bệnh loãng xương cần lưu ý:
- Giảm chiều cao, gù lưng, đau nhức các đầu xương, đặc biệt là đau mỏi ở các xương dài
- Một số vùng xương sẽ có cảm giác đau thường xuyên như: xương sống, vùng thắt lưng, xương chậu, xương đùi, đầu gối… Cơn đau thường âm ỉ và kéo dài, tăng lên khi vận động, giảm đi khi nằm nghỉ.
- Với người lớn tuổi, loãng xương sẽ đi kèm các dấu hiệu bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp và thoái hóa khớp…
Loãng xương có nguy hiểm không
Loãng xương nếu như không được điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp những hậu quả rất nghiêm trọng. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là gãy xương, rạn xương. Hơn nữa, những vết thương do bệnh loãng xương ở người già rất khó lành do thể trạng suy yếu, sự tái tạo tế bào xương kém đi nhiều.
Những phần xương có tác dụng chịu lực chính là cột sống, xương vai và xương đùi. Do vậy, khi bị loãng xương và gặp phải va chạm có thể làm trượt xương sống, hay gãy xương đùi ở người cao tuổi rất khó lành. Từ đó khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, vận động khó khăn, mất thăng bằng và giảm khả năng lao động. Khiến người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình cả về kinh tế và yêu cầu chăm sóc sau này.
Người bị loãng xương cũng có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, bệnh đường hô hấp, bệnh tiểu đường, viêm khớp và thấp khớp cao hơn rõ rệt.
Chủ đề liên quan:
Hướng dẫn Bổ sung canxi cho người loãng xương đúng cách
Đừng coi thường – bệnh loãng xương nguy hiểm hơn bạn nghĩ