Loãng xương và thoái hóa khớp là những bệnh lý thường gặp của người cao tuổi. Vì có triệu chứng giống nhau nên việc nhầm lẫn giữa hai bệnh này rất dễ xảy ra.
Tuy có triệu chứng tương tự nhau nhưng thoái hóa khớp và loãng xương là những bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Nếu không nhận biết đúng bệnh, có thể dẫn đến phương pháp điều trị không phù hợp.
Nguyên nhân của bệnh Thoái hóa khớp và Loãng xương
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là hiện tượng mô sụn bị bào mòn khiến đầu xương cọ sát vào nhau khi vận động. Tình trạng này làm cho các khớp đau nhức và phát ra tiếng khi vận động.
Thoái hóa khớp thường có nguyên nhân từ quá trình lão hóa, bệnh chủ yếu tập trung ở người trên 55 tuổi. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện bởi một số nguyên nhân sau:
- Thừa cân, béo phì
- Do di truyền
- Chấn thương
- Các bệnh viêm khớp khác
Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính và không thể thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Loãng xương
Loãng xương là hiện tượng suy giảm mật độ xương khiến xương suy yếu và dễ dàng nứt gãy. Một số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ loãng xương như:
- Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi
- Suy giảm nội tiết tố ở phụ nữ sau sinh, mãn kinh.
Thông thường, các tế bào xương sẽ bị phá vỡ và sản sinh những tế bào mới để thay thế. Quá trình này diễn ra liên tục, nếu quá trình tái tạo xương chậm hơn quá trình hủy xương, mật độ xương sẽ có xu hướng giảm dần. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến bệnh loãng xương.
Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp và loãng xương
Hai bệnh này có triệu chứng khá giống nhau nhưng nếu quan sát kỹ, bạn sẽ dễ dàng phân biệt được.
Thoái hóa khớp
Triệu chứng chỉ xuất hiện khi các mô sụn bị bào mòn đáng kể.
Một số triệu chứng thường gặp của thoái hóa khớp:
- Đau nhiều khi vận động
- Khớp sưng, nóng và đỏ
- Cảm thấy cứng khớp vào sáng khi ngủ dậy hoặc giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài
- Chức năng vận động của khớp giảm
- Khi vận động khớp phát ra âm thanh
Loãng xương
Tương tự với Thoái hóa khớp, Loãng xương thường không có triệu chứng rõ rệt nào. Chỉ khi mật độ xương ở mức thấp, bạn mới cảm thấy những triệu chứng xuất hiện.
Triệu chứng thường gặp:
- Chiều cao suy giảm
- Còng lưng
- Gãy hoặc nứt xương dù chỉ với tác động nhẹ
Biến chứng
Biến chứng của thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính và hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, biến chứng của bệnh lý này khá nặng nề. Sụn có thể biến mất hoàn toàn, thay vào đó các khớp xương có thể bị biến dạng và mọc gai. Tình trạng kéo dài khiến các khớp mất khả năng vận động, lâu dần dẫn đến bại liệt.
Loãng xương
Loãng xương kéo dài sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm:
- Gù lưng hoặc vẹo cột sống
- Biến dạng xương
- Gãy xương
- Giảm khả năng vận động hoặc thậm chỉ tử vong
- Mặt khác, loãng xương có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp …
Điều trị thoái hóa khớp và loãng xương
Thoái hóa khớp
Việc điều trị thoái hóa khớp nhằm mục đích bảo vệ sụn, đồng thời tăng sinh dịch nhầy cho khớp. Đồng thời, hỗ trợ giảm đau và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh
- Dùng thuốc: Những loại thuốc được dùng thường là thuốc giảm đau, kháng viêm. Bác sĩ có thể tiêm trực tiếp corticosteroid và axit hyaluronic vào khớp.
- Vật lý trị liệu: các bài tập vật lý trị liệu có khả năng giảm những cơn đau và phục hồi chức năng vận động của khớp
- Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt gai xương hay thay mô sụn nhân tạo hoặc thay toàn bộ khớp gối.
Loãng xương
Mục đích của việc điều trị Loãng xương là giảm quá trình hủy xương và tăng khả năng tái sinh tế bào xương, giảm nguy cơ nứt gãy. Bệnh nhân loãng xương chỉ được điều trị bằng thuốc.
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị loãng xương bao gồm:
- Bisphosphonate: Tăng khả năng tạo xương và giảm quá trình hủy xương. Một số loại thuốc thường gặp như alendronate, risedronate, tiludronate…
- Thuốc tiêm: Chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có nguy cơ gãy xương cao. Một số loại thuốc tiêm phổ biến như teriparatide, denosumab,…
Chủ đề liên quan:
Loãng xương là gì và bệnh loãng xương có nguy hiểm không
Đừng coi thường – bệnh loãng xương nguy hiểm hơn bạn nghĩ